Câu chuyện tích hợp Telegram tại ADG

Trong 2 tháng vừa qua, đội dự án có nghiên cứu và phát triển việc tích hợp một số tính năng của hệ thống phần mềm ADG hiện đang dùng với Telegram. Nôm na là đưa một số tính năng mà trước đây người dùng phải mở phần mềm trên máy tính để bàn, còn bây giờ thì có thể dùng trên điện thoại bằng ứng dụng Telegram. Nói cách khác, dùng Telegram thay thế cho Mobile App.

Khi mới bắt tay vào việc, đội dự án có chia sẻ ý tưởng với một số anh em quen biết, cũng có một vài người hoài nghi, có ý kiến rằng: "Việc tích hợp giữa phần mềm và các nền tảng tin nhắn thì nhiều nơi làm rồi, đừng nên phí thời gian vào đây. Nếu cần thiết thì có thể thuê viết, vừa nhanh, vừa gọn, vừa đỡ rủi ro. Chứ giờ mới bắt đầu nghiên cứu thì muộn so với thị trường rồi",

hay "Telegram không phổ biến ở Việt Nam, cũng chưa nhiều người dùng nên cũng ít đất để khai thác. Ngoài ra, mặc dù một số phần mềm tại Việt Nam đã cho phép kết nối với Telegram, nhưng dùng chủ yếu để làm chat bot, chưa thấy có đơn vị nào dùng Telegram để làm công cụ khai thác dữ liệu của hệ thống nội bộ thay cho Mobile App. Sẽ là thách thức về mặt kỹ thuật đấy",

hoặc "Nếu cần phát triển Mobile App thì nên dùng các Mobile Platform để dựng như Fluter, ReactNative, hoặc MS PowerApp. Chuyên nghiệp hơn cả về giao diện (nếu biết thiết kế) và nhiều tính năng, còn về tốc độ lập trình cũng khá nhanh, có tính chất đa nền tảng (iOS, Android)".

Quả thật có hơi hoang mang. Nhưng khi phân tích các nhu cầu thực tế tại ADG một cách chi tiết thì cũng có một vài tia sáng để bắt đầu. Có những đặc thù thế này:

  • Yêu cầu không hoàn chỉnh. Chính tại ADG cũng chưa hình thành được hết các yêu cầu để có thể đưa ra đề bài cho các đơn vị thuê ngoài, do vậy sẽ có rủi ro là vừa làm vừa điều chỉnh đề bài. Kết quả là dự án sẽ kéo dài và bị đội ngân sách.
  • Mất nhiều thời gian trong việc thống nhất yêu cầu tại nội bộ. Một số người thì cố gắng đưa ra càng nhiều yêu cầu càng tốt (và đôi khi có những yêu cầu trái ngược nhau), còn một số người thì đợi đến phút chót mới đưa ra, hoặc có khi đến khi chốt thử nghiệm mới đưa ra các ý kiến. 

Mà đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp, chứ không chỉ tại ADG. Tất cả đều coi dự án là "con voi" với xuất phát điểm là "đầu voi", với rất nhiều "thầy bói". 

Chính vì vậy, nếu kỳ vọng quá nhiều về các yêu cầu của người dùng thì cũng gặp nhiều vấn đề trong việc thuê ngoài để triển khai sau này. Do đó, rất khó có thể đưa ra một đề xuất hợp lý cho Lãnh đạo đối với phương án thuê ngoài để phát triển trên những nền tảng di động chuyên nghiệp.

Như vậy, chỉ còn cách là dựa vào nội lực của chính mình. Và đội dự án đã mạnh dạn lựa chọn nền tảng tin nhắn Telegram. Tất nhiên là có những lý do cho việc lựa chọn này.

Có nhiều điểm ưu việt của Telegram so với các nền tảng tin nhắn khác như Facebook, Whatsapp, Zalo:

  • Tính bảo mật. Telegram là một trong những nền tảng tin nhắn hàng đầu thế giới về tính bảo mật và quyền riêng tư của người dùng.
  • Tính mở. Telegram cung cập bộ thư viện dành cho các nhà phát triển, bộ API mở, bộ mã nguồn ứng dụng di động (nếu cần thì doanh nghiệp có thể chỉnh sửa lại Mobile theo nhu cầu của mình), thậm trí có thể cài đặt Server Telegram ngay tại doanh nghiệp mình (lúc này thì các file được đẩy lên từ Telegram sẽ luôn được lưu trên máy chủ của mình, chứ không phải là được phát tán trên các Server Telegram ở đâu đó trên thế giới).
  • Tốc độ phát triển người dùng. Telegram có tốc độ phát triển người dùng lớn nhất hiện nay, đứng Top 5 trong số các ứng dụng được tải về trên các Store.
  • Mức độ ổn định. Telegram có mức độ ổn định cao đã được chứng thực trong thực tế. Ví dụ, tại Nga vào những năm 2017-2018, Telegram bị cấm ở Nga vì không hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia. Thế nhưng, giới chức trách cũng không thể chặn được người dùng, kể cả dùng rất nhiều các biện pháp kỹ thuật nghiêm ngặt nhất.
  • Về mặt tính năng. Telegram có đủ các tính năng mà ADG cần để đẩy một số tính năng của hệ thống phần mềm hiện tại lên đó. Có thể Telegam chưa thể so đọ được với Facebook, MS365, Google, khi mà các gã BigTech này có rất nhiều các dịch vụ Cloud bổ sung khác. Thế nhưng với những gì có sẵn của mình, Telegram hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cho ADG. Và còn một điểm vô cùng quan trọng nữa, đó là điều được nhắc đến ở mục tiếp theo.
  • Miễn phí. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất: miễn phí khi sử dụng hết các tính năng. Điều này khác hẳn so với các nền tảng khác (như Facebook, Whatsapp thì cần phải mua các gói thuê bao chuyên nghiệp, còn với Zalo thì còn phải thêm thủ tục thêm 3-7 ngày cho lần đăng ký đầu tiên và mỗi lần thay đổi nội dung sau này, cũng khá rắm rối).

So với việc phát triển trên các nền tảng di động chuyên nghiệp khác, Telegram có một số ưu việt sau:

  • Không cần phải tải ứng dụng mới. Với những người đã dùng Telegram như một ứng dụng để giao tiếp hàng ngày (cũng giống như Zalo) thì không cần phải tải thêm ứng dụng nào khác nữa. Còn nếu chưa có, tất nhiên là vẫn phải tải về, nhưng đó là lần tải về duy nhất chứ không cần phải tải thêm các ứng dụng khác nữa.

  • Tốc độ cập nhật nhanh. Tất cả các tính năng đều được cập nhật ở phía Server ứng dụng, do vậy, không cần phải đóng gói lại Mobile App và đẩy lên kho ứng dụng trên Internet. Việc thử nghiệm các tính năng mới chỉ mất vài phút. Còn đối với người dùng, họ không cần phải đợi vài ngày đến vài tuần để tải về phiên bản mới từ kho ứng dụng giống như trường hợp phát triển một App riêng.

  • Không cần lo lắng về lỗi trên ứng dụng. Ứng dụng Telegram do hãng lớn làm ra với hàng trăm triệu người dùng, do vậy, hoàn toàn tin tưởng là ứng dụng gần như không có lỗi. Mà nếu có lỗi thì cũng yên tâm vì nó sẽ được fix trong thời gian ngắn, còn thể chỉ trong vài giờ. Do vậy, doanh nghiệp không cần nuôi một đội ăn nằm chầu trực chờ fix lỗi nữa, hoặc phải thuê ngoài. Tất cả đều do đội ngũ của Telegram đảm nhiệm.

  • Ứng dụng Telegram vẫn liên tục được phát triển. Định kỳ cứ 1-2 tháng, Telegram lại cho phát hành các bản cập nhật mới với nhiều tính năng mới. Điển hình nhất là tháng 4/2022, Telegram đã thêm mới tính năng WebApp. Chính với tính năng này mà đội dự án đã sử dụng để đẩy các tính năng của hệ thống ADG lên đây.

Qua các phân tích trên, có thể thấy Telegram là lựa chọn phù hợp với bài toán và môi trường của ADG, ít nhất là thời điểm hiện tại.

Thay cho lời kết

Sau 2 tháng phát triển và thử nghiệm tại ADG, đội dự án đã cho thấy một số ưu điểm của phương án đã chọn:

  • Tự chủ hoàn toàn về công việc. Không cần phải làm việc để thuê ngoài đơn vị triển khai, giảm bớt rất nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính để lập đề xuất và xin phê duyệt chủ trương, rồi sau đó thực hiện mua sắm, nghiệm thu.

  • Các yêu cầu người dùng được hình thành và hoàn thiện ngay trong quá trình phát triển. Trong quá trình thử nghiệm, người dùng rất thoải mái và cởi mở để đưa ra những góp ý và mong muốn hoàn thiện. Hoàn toàn không có việc ép buộc cũng như áp lực giống như khi làm việc với đơn vị triển khai bên ngoài.

  • Giảm bớt thời gian triển khai. Điều này đạt được là do giảm bớt được các thủ tục hành chính nội bộ như đã nêu ở trên. Nhưng quan trọng nhất là chuyên gia phát triển là người trực tiếp nghe được các nhu cầu và mong muốn của người dùng, không bị "tam sao thất bản" như thuê ngoài. Khi đứng ở vai trò của người dùng và hiểu tâm trạng, Developer sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp hơn và không phải điều chỉnh lại nhiều.

  • Không còn tâm lý “phe ta, phe địch”. Tâm lý "phe ta, phe địch" là khá phổ biến với các dự án "thuê ngoài". Tất cả mọi người đều có áp lực riêng trong công việc: người dùng chịu áp lực từ Lãnh đạo, đơn vị triển khai chịu áp lực từ phía người dùng cũng như nguồn lực để duy trì đội ngũ triển khai… Còn với phương án tự chủ, tất cả đều là “cùng một phe”, mọi người đều có một mục đích chung là đem lại hiệu quả cao nhất. Không còn tâm lý đè nặng, tất cả mọi người đều thoải mái và có hiệu quả làm việc tốt hơn.

Điều hứng thú nhất cho đội dự án, và có lẽ người dùng sau này cũng sẽ cảm nhận được, đó là trên điện thoại di động của mỗi người sẽ không có nhiều ứng dụng riêng biệt cho từng hệ thống nữa. Không còn App HRM hay DM hoặc Checkin, và những App khác. Tất cả có thể chỉ cần 1 App duy nhất là Telegram.

Có những tầm nhìn chiến lược dài hạn "xa tận chân trời", nhưng có những giải pháp "gần ngay trước mắt". Hy vọng là các Sếp có thể đưa ra những quyết sách phù hợp cho từng giai đoạn phát triển.

Trần Thắng.
Ban CNTT ADG.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện điều lệ dự án phần mềm tại ADG

Tổ chức các vai trò trong dự án nội bộ tại ADG

Chuyên viên phân tích nghiệp vụ - Anh là ai?