Tự chủ công nghệ để phát triển phần mềm - Bước khởi đầu

Từ trước đến nay, Lãnh đạo ADG có sự quan tâm và đầu tư nhiều cho CNTT. Tại ADG có ứng dụng nhiều giải pháp lớn như ERP, CRM, HRM, Document Management... của các Vendor lớn trên thế giới và Việt Nam như SAP, 1C, MISA... Không phải ngẫu nhiên mà ADG được đánh giá là một trong những đơn vị ứng dụng CNTT hàng đầu tại Việt Nam. Đây chính là cách thể hiện tầm nhìn của các Sếp trong chiến lược phát triển.

Còn trong thực tế ứng dụng, ADG có "truyền thống" là mua phần mềm và thuê ngoài hoàn toàn việc triển khai.

Cách làm này thế nào ạ?

Cũng có thể nói, đây là một cách làm tốt. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam (và không chỉ ở Việt Nam) đều như vậy. Chúng ta có đến hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ, và họ đều làm thế.

Với một doanh nghiệp với bề dày 19 năm hoạt động và là một trong những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, chắc chắn là ADG có những giai đoạn chuyển mình để phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Có lẽ, việc ứng dụng CNTT cũng có những lúc vượt quá khả năng nội tại để tự chủ các hệ thống. Chính vì vậy mà ADG chưa có một đội ngũ CNTT thực sự để có thể tự mình phát triển (hoặc thậm chí chỉ để tùy chỉnh phần mềm).

Có cảm nhận rằng, đội ngũ CNTT ADG đã nhìn thế giới lập trình giống như biển khơi: đầy sóng gió và bất thường. Để duy trì một đội ngũ và phát triển phần mềm có vẻ như là một điều khá rủi ro, chính vì vậy chưa có những đề xuất phù hợp để Lãnh đạo ADG có thể thông qua.

Việc tự mình phát triển phần mềm đối với ADG như là một thứ gì đó "xa xỉ". Chưa từng có ai làm và có lẽ chưa từng có ai nghĩ là ADG có thể làm được.

Trong năm qua, đội dự án 1C tại ADG có những tìm tòi nghiên cứu riêng, vừa hỗ trợ người dùng, vừa cải tiến và đưa ra những sản phẩm CNTT mới để áp dụng trong Tập đoàn. Mục tiêu ban đầu của đội dự án chỉ là chỉnh sửa một số lỗi cho các phần mềm 1C hiện đang dùng để thuận tiện hơn. Nhưng qua khảo sát và đánh giá, đội dự án thấy rằng, nếu chỉ dừng lại trong việc chỉnh sửa thì không thể giải quyết hết tất cả các bài toán đặt ra mà cần phải có cách tiếp cận khác. Chính vì vậy mới có sự ra đời của sản phẩm mới. Các phần mềm được phát triển trên các nền tảng công nghệ, tuy chưa được phổ biến tại Việt Nam, nhưng có vị trí nhất định trên bản đồ công nghệ thế giới: đó là 1C:Enterprise Technology Platform và Telegram Messenger Platform.

Sản phẩm mới ra lò mặc dù có thể có nhiều điểm chưa hoàn thiện, nhưng dưới góc độ khác, có thể thấy được một số nét như sau:

  • Đây là một bước tiến mới trong CNTT tại ADG. Chúng ta đã làm được một điều mà trước nay chưa từng ai nghĩ là có thể làm được, đó là tự chủ về mặt công nghệ để phát triển các sản phẩm CNTT dành cho Tập đoàn.
  • Người dùng đã cởi mở hơn. Ngay từ khi đưa ra giới thiệu, chính những người dùng cũng đã có những phản hồi một cách chính thống, đó là các mong muốn để phần mềm hoàn thiện hơn. Sẽ có rất nhiều những mong muốn như vậy.
  • Có thể tạo nên về cách nhìn mới về CNTT tại ADG. Mọi người có thể nhận thấy rằng, doanh nghiệp sở hữu một Team phát triển phần mềm sẽ không phải là điều "xa xỉ", nó hoàn toàn mang tính thực tế và đem lại hiệu quả nhiều hơn so với việc chỉ đi thuê ngoài. Các Sếp có thể tự tin hơn trong việc đưa ra các quyết sách về chiến lược CNTT.

Câu chuyện về phát triển phần mềm sẽ rất dài, rất gian truân (chỉ những người trong cuộc mới hiểu). Nhưng nếu biết cách làm và có sự đầu tư hợp lý thì câu chuyện thành công sẽ không còn xa.

Có một điều chắc chắn, đó là CNTT tại ADG đã bắt đầu có những chuyển biến mới, khi mà CNTT tại ADG từ năm 2023 đã được nâng lên thành KHỐI, vượt khỏi khuôn khổ của một Ban như trước đây. Điều này cho thấy, các Sếp rất mạnh tay để củng cố cho một trong các giá trị cốt lõi ADG là "Yêu công nghệ".

Hy vọng một năm mới khởi sắc về công nghệ để tạo động lực cho tất cả mọi người!

Một ngày đầu năm 2023.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Câu chuyện điều lệ dự án phần mềm tại ADG

Tổ chức các vai trò trong dự án nội bộ tại ADG

Chuyên viên phân tích nghiệp vụ - Anh là ai?